“Lục súc tranh công” nghĩa là sáu con vật nuôi trong nhà tranh nhau công trạng của mình. Sáu con ấy là: trâu, ngựa, chó, dê, gà, và lợn. Trâu thì rằng làm ăn vất vả, có công sinh ra thóc, gạo, ngô, đỗ; chó thì rằng có công coi nhà giữ trộm; ngựa thì rằng có công đem chủ đi quán về quê, đánh đông dẹp bắc; dê thì rằng có công trong việc tế lễ; gà thì rằng có công gáy sáng, xem giờ; lợn thì rằng có công trong việc quan, hôn, tang, tế. Sáu con cùng tranh luận, người chủ phải can thiệp vào, dàn hòa mới yên. Bài này viết theo thể “nói lối”.
**********
LỤC SÚC TRANH CÔNG
Tựa:
Trời hóa sinh muôn vật
Ðất dong dưỡng mọi loài,
Giống nào là giống chẳng có tài;
Người đâu dễ không nhờ vật.
Long chức quản bổ thiên, dục nhật.
Lân quyền tư giúp thánh, phò thần.
Quy thông hay thành bại, kiết hung .
Phụng làu biết thạnh suy, bĩ thái.
Trong trời đất ba ngàn thế giái (giới)
Ðều xưng rằng tứ vật chí linh.
Nhẫn đến loài lục súc hi sinh,
Trời cho xuống hộ người dương thế.
CT:-
– dong dưỡng: Nuôi nấng
– bổ thiên Giúp trời;
Dục nhật : Tắm cho mặt trời.
Rồng làm mưa trong khi hạn hán, cho nên gọi là giúp trời, sau cơn mưa mặt trời lại sáng, cho nên gọi là tắm cho mặt trời tỏ.
-giúp thánh, phò thần: Ðời có thái bình, Kỳ lân mới hiện ra, cho nên gọi nó là một loài thú giúp các bậc thánh thần trong đời thịnh trị.
– Quy: Rùa dùng để bói cho biết sự nên, sự hỏng, sự xấu, sự tốt.
-làu: Biết rõ
– thạnh suy: Chim phụng hoàng gặp đời thịnh ra, gặp thời suy thì ẩn đi.
– ba ngàn thế giái: Kinh phật chia vũ trụ làm tiểu thế giái, đại thế giái, cộng cả lại gọi là tam thiên thế giái (giái : giới)
-Nhẫn: Nhìn, xem.
-hi sinh: Loài súc dùng làm thịt để cúng tế
(ct)
dieunha:
(tt)
Ngưu (trâu)
Trâu mỏi nhọc, trâu liền năn nỉ :
“Một mình trâu ghe nỗi gian nan,
Lóng canh gà vừa mới gáy tan,
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã.
Dạy rằng: đuổi trâu ra thảo dã,
Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng.
Chưa bao lâu thoắt đã rạng đông;
Vừa đến buổi cày bừa bua việc.
Trước cổ đã mang hai cái niệt
Sau đuôi thêm kéo một cái cày;
Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây,
Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đỉa cắn.
Trâu mệt đà thở dài, thở vắn,
Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi.
Liệu vừa đứng bóng mới thôi,
Ðói hòa mệt, bước khôn dời bước.
Ai thong thả, trâu nào ben đặng ?
Trâu nhọc nhằn, ai dễ thế cho?
Cày ruộng sâu, ruộng cạn cho no,
Lại vườn đậu, vườn mè khiến chở
Làm không kịp thở,
Ăn không kịp nhai.
Tắm mưa, trải gió chi nài !
Ðạp tuyết, giày sương bao sá !
Có trâu, sẵn tằm tơ, lúa má,
Không trâu, không hoa quả, đậu mè,
Lúa gặt cất lên đà có trâu xe,
Lúa chất trữ, lại để dành trâu đạp.
Từ tháng giêng cho đến tháng chạp,
Kể xuân, hè, nhẫn đến thu, đông,
Việc cày bừa, nông vụ vừa xong,
Lại xe gỗ, dầm công liên khói ,
Bất luận xe rào, xe củi.
Nhẫn đến loài phân bổi , tranh che
Hễ bao nhiêu nhất thiết của chi,
Thì đã phú mặc trâu chuyên chở.
Bao quản núi non hiểm trở ?
Chi nài khe suối dầm dề ?
Cong lưng chịu việc nặng nề,
Cay đắng những lời dức lác !
Ăn thì những rơm khô, cỏ rác,
Ở quản chi ràn lấm, tráp nè.
Trâu dựng nên nông nọ, nỗi kia;
Trâu làm đặng căn trên, bồ dưới.
Nghĩ suy lại công trâu cho phải,
Lẽ cho trâu thao lụa mặc dày.
Không chi thì quần vải, dải gai,
Không chi thì khố lưỡi cày cũng khá
Ăn cho phải những cơm với cá,
Không nữa thì rau cháo cũng nên
Ðến mai sau già cả sức hèn,
Cũng bảo dưỡng bổ công lao lý.
Khi mạng một chẳng đơm, chẳng tế;
Lẽ “sinh cử, tử táng”, mới ưng.
Thủa sống đà không dạ yêu đương,
Khi thác lại đoạn tình siêu độ.
Bảo nhau sắm con dao, cái rổ,
Khiến nhau vơ mớ củi, nắm nè.
Rằng : Trâu này cốt Phật xưa kia,
Phát đình liệu cho hồn thăng thiên giái.
Còn hình tích giống chi để lại,
Người người đều bàn bạc với nhau:
Kẻ thì rằng : Tôi lãnh cái đầu,
Người lại nói : Phần tôi cái nọng.
Kẻ giành lòng bóng ép gối mà kê,
Còn sừng đem về ép thoi làm lược.
Kẻ thì chuốc hoa tai, làm bầu liều.
Làm tù và mà thổi cũng kêu,
Tiện con cờ mà đánh cũng tốt.
Kẻ thì làm cái mõ, cáo hộp,
Người lại tỉa cán quạt, cán dao.
Còn giò chia nhau,
Làm nham, làm thấu.
Trâu gẫm lại là loài cầm thú,
Phận sau chịu vậy, dám nài !
Trâu thác đã công nghiệp phủi rồi,
Trâu sống lại kiện nài với chủ :
Không nhớ thủa bôi chuông đường hạ
Ơn Tề vương vô tội kiến tha
Tưởng chưng khi sức mọn tuổi già,
Cám Ðiền tử dạy con chớ bán.
Lời cổ nhân còn dặn,
Sao ông chủ vội quên ?
Chẳng nhớ câu “Dĩ đức hành nhân”.
Lại lấy chữ “Báo ân dĩ oán !”
Nói chi nữa cho dài chuyện vãn ?
Thưa chủ xin nói thép một lời :
Nhưng loài muông, vô tướng, vô tài,
Nuôi giống ấy làm chi cho nhọc ?
Ăn cho lớn, dưỡng vai, dưỡng vóc,
Giỡn với nhau vạch cửa, vạch sân,
Một ngày ba bữa chực ăn,
Thấy đến việc lén mình lét lét.
Chưa rét đã phô rằng rét,
Xo ro đuôi quít vào trôn,
Vấy bếp người, tro trấu chẳng còn,
Ba ông táo lộn đầu, lộn óc,
Chưa sốt đà nằm dài thở dốc.
Le lưỡi ra phỏng ước dư gang.
Lại thấy người lơ đĩnh lơ hoang
Tài ăn vụng thôi thì hơn chúng.
Nhưng muông biết cày nương, bừa ruộng,
Thì muông kể biết mấy công ơn ?
Muông, người cho ăn cháo, ăn cơm,
Trâu, người bắt nhai rơm, nhai cỏ.
Khi muông thác tống chung, an thổ,
Có gạo tiền cấp táng toàn thân,
Trách một lòng chủ ở bất công,
Hậu ư bạc, bạc đem làm hậu”.
CT:-
– ghe: Nhiều
-Lóng: Nghe
-thảo dã: Cánh đồng cỏ.
-bua việc: Công việc
-niệt: dây to buộc ở cổ trâu
– hòa: Và
-ben: bì kịp
-thế: Thay, làm hộ.
-no: Ðủ.
-mè: Vừng.
-dầm công liên khói: Làm việc liên miên không dứt như khói tuôn lên vậy.
-Nhẫn đến: Cho đến, đến cả.
-bổi: Cỏ rác.
-phú: Phó.
-ràn lấm: Chuồng bẩn lấm.
-tráp :- Tàu bỏ rơm cho trâu bò ăn .
-Nè : Cỏ rác vụn.
-căn: Chỗ ngăn ra để chứa thóc lúa.
-thao lụa: Tơ lụa.
-khố lưỡi cày: Thứ khố vải, một đầu vuông, một đầu chéo.
-bảo dưỡng: Nuôi nấng.
-lao lý: Khó nhọc.
-đơm: Cúng.
-sinh cử, tử táng: Sống cho ở, chết đem chôn.
-mới ưng: Mới phải đạo.
-siêu độ: Ðộ cho kiếp sau được sung sướng hơn,
-cốt Phật xưa kia: Nước Thiên Trúc có loài trâu sừng nhỏ, sắc đen, mình rất cao, thịt cắt rồi lại mọc, ai uống máu nó thì sống lâu, người ta gọi là phật ngưu. (Ðường Thư).
-đình liệu: Cây đuốc to.
-lòng bóng ép gối mà kê: Lấy lòng và bong bóng trâu phơi khô ép làm gối.
-ngạt quạt: Nan vái quạt.
-bầu liều: Cái bầu dùng để ao, đong.
– Nham, thấu : Hai món đồ ăn.
-phủi: Phẩy đi, xóa đi.
-bôi chuông: Theo lễ cổ, khi nào đúc xong một quả chuông thì giết trâu, lấy máu bôi vào chuông, lễ này gọi là Hấn chung (bôi chuông).
-đường hạ: Dưới thềm, dưới nhà.
-Ơn Tề Vương vô tội kiến tha: Tề Tuyên Vương trông thấy người ta dắt trâu đi làm thịt để lấy máu bôi chuông, thương trâu vô tội, bèn truyền lệnh tha cho (Mạnh tử).
-Ðiền tử: Ðiền tử Phương người đời Chiến quốc, rất thương những trâu ngựa già,
-dạy con chớ bán: Ðiền tử Phương thường dặn con cháu và người nhà đừng đem bán trâu và ngựa già.
-Dĩ đức hành nhân: Lấy điều phúc đức để thi hành lòng nhân.
-Báo ân dĩ oán: Lấy sự oán báo lại cái ân.
-nói thép: Nói lý sự.
-lét lét: Sợ mà tránh không cho ai trông thấy,
-sốt: Nóng, bức
-lơ đĩnh lơ hoang: Hờ hững, không thiết,
-tống chung, Ðưa lúc chết .
– An thổ : Chôn xuống đất.
-Hậu ư bạc, bạc đem làm hậu: Ðáng bạc(mỏng) lại xử hậu (dày) , đáng hậu lại xử bạc.
(ct)
dieunha:
(tt)
Khuyển
Muông nghe nói, giận đau phế phổ,
Liền chạy ra sủa mắng vang tai :
“Trời đã sinh các hữu kỳ tài,
Lớn việc nặng, bé thì việc nhẹ.
Bởi vì đó lớn vai, lớn vế,
Thì chuyên lo nông bổn cày bừa,
Vốn như đây ốm yếu chân tay,
Cũng hết sức gia trung xem xét.
Trách sao khéo thổi lông tìm vết ?
Giận thày lay vạch lá tìm sâu.
Ai ai đều phận thủ như nhau ;
Khắn khắn cũng một lòng phò chủ.
Kẻ đầu kia, người việc nọ,
Ðứa coi ngoài có đứa giữ trong.
Ðêm năm canh con mắt như chong :
Ðứa đạo tặc nép oai khủng động.
Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống,
Ðứa gian tham thấy bóng cũng kinh.
Lại đến ngày kỵ lạp tiên sinh,
Cũng ra sức săn chồn, đuổi sóc.
Bao quản chui gai, lước góc,
Chi này múa mỏ, lòn hang.
Anh trâu sao chẳng biết thương,
Nỡ lại tra lời sanh nạnh.
Ăn thì cơm thừa, canh cặn,
Ăn thì môn sượng, khoai sùng
Tới bữa ăn chẳng luận ít nhiều,
Có cũng rằng, không cũng chớ.
Trâu rằng : trâu ăn rơm với cỏ
Mà còn có một thằng chăn,
Tốn áo quần cùng tốn cơm ăn,
Nỗi lại tới gạo tiền đằng khác;
Tính chắt lót một năm hai đạc,
Về thằng chăn đã hết một trâu.
Cũng mạnh cày, mạnh kéo nên giàu,
Hãy cho nhẹm mình trâu là quí.
Vốn như đây gia tài ủy ký,
Mà chủ không tốn kém đồng nào.
Nếu không muông coi trước giữ sau,
Thì của ấy về tay kẻ trộm.
Trâu biết nói, trâu không biết xét,
Suy mình muông công nghiệp đã dày,
Khi sống thì giữ gìn của đời,
Khi thác xuống giữ cầu âm giái,
Người có phước, muông đưa ra khỏi,
Ai vô nhân, qua chẳng đặng đâu !
Chủ có lòng suy trước,xét sau,
Khi lâm tử gạo tiền tống táng.
Chủ đã có công dày ngãi rộng,
Muông dễ không tiếp rước đãi đưa,
Thấy anh trâu chưa biết căn do,
Nói vài chuyện, kẻo chê muông dại”.
Trâu với muông hai đàng đối nại,
Chủ nghe qua khó nỗi xử phân :
“Thôi đừng nhĩ ngã thiệt hơn.
Phú lưỡng bạn dĩ hoà vi quí”.
CHÚ THÍCH:-
-các hữu kỳ tài: Mỗi một giống vật có một tài riêng.
-nông bổn: Nghề làm ruộng là gốc. Trong nhà.
-gia trung: Trong nhà
-thày lay: Lôi thôi, càn dỡ
-phận thủ: Giữ một chức phận.
-Khắn khắn: Khăng khăng chăm chỉ.
-khủng động: Sợ hãi
-sanh nạnh: Nói ngang, nói bướng.
-chắt lót: Tính ít nhất.
-hai đạc: Hai thủa ruộng.
-nhẹm: No đủ.
-ủy ký: Phó thác.
-âm giái: Âm phủ.
-lâm tử: Lúc chết.
-đãi đưa: Lúc chủ mất muông cũng đón rước tử tế ở cầu địa phủ,
-nhĩ ngã thiệt hơn: Phân bì mình với ta.
***
Hai vật đã tương đồng hoan hỉ,
Lại cùng nhau từ tạ một lời :
“Như luận trong công nghiệp hai tôi:
Ăn có bữa, lo không có bữa.
Dám thưa người, báu gì giống ngựa,
Mà trau tria lều trại nhọc nhằn ?
Ăn cho ăn những cháo đậu xanh,
Ở thì ở những tàu lợp ngói.
Bữa bữa dạo chơi, tắm gội,
Ngày ngày chắn vó, hớt mao.
Sắm sửa cho, chẳng biết chừng nào,
Suy tính lại, dư trăm, dư chục.
Sắm lá vả, sắm yên, sắm lạc,
Sắm chân đưng hàm thiếc, dây cương.
Dời tiền, dời hậu bao vàng,
Thắng đái, dây cương thếp bạc.
Gẫm giống ấy :
Nết na giớn giác,
Tính khí chàng ràng,
Tuy đang khi mọi vẻ nghiêm trang,
Trong gia sự nhiều điều ngơ ngáo.
Nghề cày bừa, nghe coi lếu láo,
Việc bắn săn coi cũng ươn tài,
Chủ nuôi không biết chủ là ai,
Nhà ở, chẳng biết nhà mà lại.
Dại không ra dại,
Khôn chẳng nên khôn ;
Ngất ngơ như ốc mượn hồn.
Nuôi giống ấy làm chi cho rối”.
CT:-
-trau tria: Sửa-sang.
-chắn vó: Cắt gọt móng.
– lạc: Nhạc đeo cổ.
-chân đưng: Bàn đạp,
(ct)
dieunha:
(tt)
Mã
Ngựa nghe nói, tím gan, nổi phổi,
Liền chạy ra hầm hí vang tai :
“Ớ ! này, này, tao bảo chúng bay,
Ðố mặt ai dày bằng mặt ngựa ?
Tuy rằng thú, cũng hai giống thú,
Thú như tao ai dám phen lê
Tao đã từng, đi quán, về quê,
Ðã ghe trận đánh nam, dẹp bắc.
Mỏi gối nưng phò xã tắc,
Mòn lưng cúi đội vương công.
Ngày ngày chầu chực sân rồng
Bữa bữa dựa kề loan giá,
Ông Cao Tổ năm năm thượng mã,
Mới dựng nên cơ nghiệp Lưu gia,
Ông Quan Công sáu ải thoát qua,
Vì cậy có Thanh Long, Xích thố
Ðã nhiều thủa ngăn thành, thủ phủ
Lại ghe phen đột pháo, xông tên
Ðàng xa xôi ngàn dặm quan sơn
Ngựa phi đệ một giờ liền thấu.
Các chú đặng ăn no, nằm ngủ,
Bởi vì ta cần cán, giữ gìn.
Khắn khắn lo nhà trị, nước yên,
Chốn chốn đặng nông bô lạc nghiệp.
Các chú những nằm trong xó bếp,
Tài các ngươi ở chốn quê mùa.
Ðừng đừng buông lời nói khật khù
Bớt bớt thói chê bai giớn giác,
Nếu tao chẳng lo trong việc nước,
Giặc đến nhà ai để chúng bay ?
Thật biết một mà chẳng biết mười,
Chớ lừng lẫy cậy tài, cậy thế”.
Ngựa nói lâu, gẫm càng hữu lý,
Vậy chủ bèn phân giải một lời :
“Ðại tiểu các hữu kỳ tài,
Vô đắc tương tranh nhĩ ngã”.
CHÚ THÍCH:-
-phen lê: Phân bì.
-Cao tổ năm năm thượng mã,: Hán Cao tổ mã thượng đắc thiên hạ : Vua Cao tổ họ Lưu đánh dẹp năm năm được thiên hạ ở trên mình ngựa.
-Quan Công sáu ải thoát qua: Quan Vũ vượt qua sáu cửa ải.
-Thanh longTên thanh đao.
Xích thố : Tên con ngựa sắc hồng,
-phi đệ: Chạy nhanh như tên bay.
-nông bô lạc nghiệp: Dân cày cấy yên vui nghề nghiệp.
-khật khù: Gàn dở
-Ðại tiểu các hữu kỳ tài: Vật lớn vật nhỏ đều có một nghề tài giỏi riêng.
-Vô đắc tương tranh nhĩ ngã: Không được ganh tị nhau.
***
Trâu với ngựa cùng muông ba gã,
Mới ra ngoài từ tạ phân nhau.
Ngựa giận dê, đứng lại giây lâu,
Bèn phát trạng cáo nài với chủ :
“Dê với ngựa cũng là giống thú,
Chăn đồng chăn, nuôi cũng đồng nuôi,
Dê, người cho ăn nhảy chơi bời,
Ngựa, người bắt kỵ biều,, luân tế.
Gẫm giống chi hữu đầu vô vĩ,
Hình con con, bụng lớn chang bang;
Cáng náng như đứa có hạ nang,
Sớn sác tợ con chàng kẻ cướp.
Nghề tế kiệu coi đà xấu vóc,
Việc cày bừa nhắm bóng cũng ươn ;
Hễ thấy người thấp thoáng đôi bên,
Liền há miệng kêu la : bé hé”.
CT:-
-phát trạng: Phát đơn khiếu nại.
-kỵ biều: Cưỡi chạy.
-luân tế: Chạy luôn không nghỉ.
-chang bang: To phềnh.
-đứa có hạ nang: Người có bệnh sa đì.
-tế kiệu: Chạy nước kiệu.
-nhắm bóng: Xem hình dạng,
(ct)
dieunha:
(tt)
Dê
Dê nghe ngựa nói dê quá tệ,
Liền chạy ra vác mặt, vênh râu ;
Dê nói rằng : “Ta đọ với nhau,
Thử anh lớn hay là tôi lớn.
Anh đã từng vào dinh, ra trấn,
Sá chi tôi tiểu thú quê mùa ?
Mạnh thì lo việc nước, việc vua.
Song chớ khá cậy tài, cậy tướng,
Ai có tài, chủ ban chủ thưởng,
Ai không công, tay làm hàm nhai,
Chẳng dám ăn lúa má, môn khoai ;
Không hề phạm đậu mè, hoa quả.
Khuyên khuyên chớ nói ngang nói ngửa,
Bớt bớt, đừng ỷ thế, cậy tài,
Ai chẳng biết đuôi ngựa thì dài,
Dài thì để xua mòng, đuổi muỗi ;
Vốn như đây đuôi tuy vắn vỏi,
Ðây cũng không mượn ngựa nối thêm.
Ngàn dặm trường, mặt ngựa khoe êm.
Ba gò sỏi, dê đà xong việc.
Việc dê thì dê biết,
Việc ngựa thì ngựa hay
Bừa cày, có thú bừa-cày,
Kiệu tế, có muông kiệu tế,
Dê vốn thật thuộc về việc lễ,
Ðể hòng khi về hạng tư văn ;
Ðể dành khi tế thánh, tế thần,
Lại có thủa kỳ yên, kỳ phước.
Hễ có việc, lấy dê làm trước,
Dê dâng vào người mới lạy sau.
Ngựa tuy rằng hình tượng lớn cao,
Tam sanh lễ, ai dùng đến ngựa ?
Dầu đến việc làm đình, làm chợ,
Cũng lấy dê trảm thảo, bồi cơ ;
Nhẫn đến ngày mạng tướng xuất sư,
Cũng lấy dê khấn cầu tổ đạo.
Lễ cốc sóc thánh nhân còn bảo :
Tử Cống sao dê sống bỏ đi ?
Ngựa nói ngang mà chẳng biết suy,
Dê nào có thiếu chi công trạng ?
Nói cho xứng đáng,
Há dễ cơ cầu,
Dê tuy rằng vô vĩ, vô đầu,
Quan phong Trường tu chủ bộ.
Hèn như dê mà dám đọ,
Tiện như dê, quí bất khả ngôn.
Ngựa rằng : Ngựa ở chốn quyền môn,
Phong cho ngựa chức chi nói thử ?
Thưa chủ nghiệm việc dê với ngựa,
Cân mà coi, ai trọng, ai khinh ?”
CHÚ THÍCH:-
-môn: Loài khoai, giống khoai sọ thường mọc ở rừng,
-mòng: Một loài ruồi lớn.
-muông: Loài thú,
-tư văn: Hội các nhà văn thân lập lên để phụng sự đức Khổng tử và tình liên lạc trong phái văn hào.
-Tam sanh: Ba giống súc : Dê, lợn và trâu bò dùng làm đồ tế lễ,
– Trảm thảo : Phát cỏ
– Bồi cơ : Ðắp nền.
Theo tục khi làm đình làm quán, giết dê tế thổ thần để khởi công.
-tổ đạo: Mở đường. Lễ làm khi xuất quân thường giết dê để tế cờ.
– Cốc : Trình cho biết, tiếng dùng riêng để tế thần thánh.
Sóc : Ngày mồng một mỗi tháng. Lễ cổ cứ ngày mồng một đầu tháng, các vua chư hầu giết dê làm lễ cúng ở nhà thái miếu.
-Tử Cống: Học trò Khổng phu-tử .Theo sách Luận ngữ, thầy Tử Cồng muốn bỏ lễ cốc sóc, vì tiếc mỗi tháng mất con dê, song Ðức Khổng tử cho là lễ cốc sóc có nhiều ý nghĩa quan trọng hơn con dê nhiều.
-cơ cầu: Cãi lẽ.
-Trường tu chủ bộ: Chức chủ bộ dài râu, biệt hiệu của con dê.
***
Ngựa nghe qua tỏ đặng sự tình,
Dê rằng : bé, ai hay chức lớn ?
Dê nói lại tài dê cũng rắn,
Ngựa thưa qua, sức ngựa thêm rồng :
Chủ phê cho lưỡng bạn tương đồng,
Chắp sự giả các tư kỳ sự.
Lời tự thuận hai đàng xong xả,
Dê phát ngôn, bèn trở nại gà :
“Nuôi chúng tôi lợi nước lợi nhà,
Nuôi giống gà thật vô ơn ngãi.
Thấy chủ vãi đám ngò, vạc cải
Túc nhau bươi chếch gốc, trốc cây.
Thấy người trồng đám đậu, vồng khoai,
Rủ nhau vầy nát bông, nát lá.
Rất đến đỗi thấy nhà lợp rạ,
Kéo nhau lên vậy vã tâng bầng.
Cho ăn rồi quẹt mỏ sấp lưng
Trời chưa tối, đà lo việc ngủ.
Ba cái rác nằm không yên chỗ,
Mấy bụi rau nào để bén dây
Cả ngày thôi những khuấy, những rầy,
Nuôi giống ấy làm chi vô lối ?”
CT:-
-rắn: Cứng cỏi.
-rồng: Hay, khỏe mạnh.
-Chắp sự giả các tư kỳ sự: Người nào coi việc gì cứ giữ việc ấy.
– Vãi : Rắc hạt giống trồng.
-ngò: Loài rau thơm, tức là rau mùi.
-Vạc : Ðám.
-bươi: Bới.
-trốc: Ðổ, làm bật lên.
-vồng: Luống.
-sấp lưng: Quay lưng lại.
http://hocthuatphuongdong.vn/